• 0903 100 100
  • Số 226/4A Lê Trọng Tấn, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
30/07/2020

Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Châu Âu tăng vọt

Chỉ trong quý 1-2020, xuất khẩu nông sản chế biến Việt Nam đạt 166 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Tín hiệu vui cho ngành chế biến

Theo Bộ Công thương, quý 1 vừa qua, các sản phẩm chế biến có trị giá xuất khẩu lớn nhất gồm: xoài sấy (14,4 triệu USD – tăng 149,7% so với cùng kỳ), nước chanh leo (10,6 triệu USD – tăng 3,5%), trái cây sấy (gần 9,5 triệu USD – tăng 222%).

Sự tăng trưởng tích cực này là cả quá trình đầu tư nhiều năm của ngành công nghiệp chế biến. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), giai đoạn 2018-2019 có 30 dự án lớn về chế biến nông sản (vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD) khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, sản phẩm rau quả chế biến không chịu tác động từ dịch nhờ sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu; nếu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng trị giá xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ NN-PTNT, tốc độ tăng trị giá hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7% – 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Từ đó, hình thành các cụm liên kết sản xuất – bảo quản – chế biến – tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nông dân.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chế biến càng rộng mở. Tuy nhiên, công nghệ chế biến nông sản của chúng ta chỉ mới đạt trình độ chế biến hiện đại, theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới ở một số ngành như hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra…

Hướng tới thị trường Châu Âu khó tính

Các số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến trên thế giới lên tới 2.200 tỷ USD/năm. Trong thị trường này, nông sản Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhưng làm cách nào để nắm bắt? Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu, từ số lượng, thời điểm, chủng loại, chất lượng, mức độ an toàn, đến giá mua nguyên liệu… Sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ của các ngành hàng nhìn chung thiếu chặt chẽ.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên phân tích, hiện nay đã có nhiều DN đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, quan tâm phát triển thương hiệu, đó là chiến lược đúng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vùng nguyên liệu làm sao cho đồng đều, đảm bảo chất lượng. Các DN chủ yếu đi buôn là chính, khâu sản xuất nhà nông tự lo, dẫn đến buông lỏng chất lượng. Phần lớn DN nông nghiệp đều không có điều kiện để sở hữu được đất đai màu mỡ, vị trí thuận lợi.

Ví dụ, để có vùng trồng rau nguyên liệu diện tích 500ha tại Nghệ An và Lâm Đồng sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch, theo Công ty cổ phần Rau quả sạch Quốc tế (thuộc Tập đoàn TH), khó khăn nhất là vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài. Vì thế, không phải DN nào cũng mạnh dạn đầu tư.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngành công nghiệp chế biến rau quả sẽ chiếm ưu thế và trên đà phát triển, nhất là khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật để vào thị trường EU rất khắt khe, các DN cần chuẩn bị vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

Mặt khác, một số nước “láng giềng” đầu tư công nghệ, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu qua các thị trường EU, nhằm giành lấy thị phần từ Việt Nam. Do đó, Nhà nước, DN cần vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn để thực hiện cơ giới hóa. Chúng ta có thể thu hút đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Israel… nhằm thúc đẩy công nghệ chế biến sâu phát triển mạnh mẽ.

Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”.

Hướng tới mục tiêu này, chúng ta cần triển khai nhanh các giải pháp như vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng chuỗi liên kết DN – nhà nông, ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến gắn kết với vùng trồng nguyên liệu…

Đồng thời gấp rút hoàn thiện bộ máy dự báo và thông tin thị trường, cập nhật thông tin, chính sách thương mại của các thị trường xuất khẩu chủ lực, đây cũng là khâu quan trọng để đưa ngành nông sản chế biến Việt Nam tiến vào tốp các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.